Lựa chọn & Đào tạo người kế nghiệp - Sự kết hợp giữa cảm tính và khoa học

Lựa chọn & Đào tạo người kế nghiệp 
Sự kết hợp giữa cảm tính và khoa học

 

Tại tọa đàm "Bàn Về Chuyển Giao Thế Hệ & Lãnh Đạo Kế Nghiệp" được tổ chức bởi Trường PACE vào ngày 21/10/2016 vừa qua, các chuyên gia đào tạo của PACE đã đặt ra 3 vấn đề thiết yếu để giải bài toán chuyển giao cơ nghiệp gồm: Tìm kiếm & lựa chọn, Đào tạo & phát triển, Chuyển giao.


IMG_0206.JPG
 

Trước đây gần hai thập kỷ là khoảng thời gian nền kinh tế Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ với luật doanh nghiệp mới được ra đời, các hiệp định toàn cầu hóa bắt đầu được diễn ra thì cũng là lúc hàng ngàn người khởi nghiệp, hàng ngàn doanh nghiệp mới được thành lập. Cũng có khá nhiều doanh nghiệp phá sản, tuy nhiên những doanh nghiệp làm ăn tốt và phát triển thì đến hôm nay họ lại đang trăn trở cho một bài toán mới là “chuyển giao cơ nghiệp”. Tại tọa đàm "Bàn Về Chuyển Giao Thế Hệ & Lãnh Đạo Kế Nghiệp" được tổ chức bởi Trường PACE vào ngày 21/10/2016 vừa qua, các chuyên gia đào tạo của PACE đã đặt ra 3 vấn đề thiết yếu để giải bài toán chuyển giao cơ nghiệp gồm: Tìm kiếm & lựa chọn, Đào tạo & phát triển và cuối cùng là Chuyển giao.

Có nhiều nghiệp chủ băn khoăn về việc tìm người kế nghiệp như thế nào để phù hợp, hay nên chọn người nhà hay người ngoài để kế nghiệp… Đây là một vấn đề thường được quyết định khá cảm tính. Tuy nhiên, những cảm tính này cần phải dựa trên những nguyên tắc quan trọng để quyết định chọn ai là người kế nghiệp. Ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường PACE cho rằng: “Thường thì các nghiệp chủ luôn muốn chọn người nhà để gánh vác cơ nghiệp, nhưng phải luôn tâm niệm rằng ưu tiên chọn người nhà chứ không phải chọn người nhà bằng mọi giá”. Bởi người ngoài hay người nhà không quan trọng, quan trọng là người được chọn phải có đủ tố chất, năng lực và tâm huyết để chèo lái cơ nghiệp phát triển. Ông Trung phân biệt rõ ba khái niệm trong buổi tọa đàm gồm: “Kế vị” chỉ là tiếp nhận chiếc ghế lãnh đạo và được trao quyền lực, chức vị; “Kế nhiệm” là không chỉ trao ghế, trao quyền mà còn trao cả một trọng trách to lớn cho người nắm giữ cơ nghiệp; Còn “kế nghiệp” được hiểu đầy đủ hơn đó là không chỉ trao ghế, trao quyền, trao trách nhiệm mà còn là trao cả một hệ tư tưởng kinh doanh, nền tảng văn hóa tổ chức của cả một sự nghiệp được gầy dựng rất nhiều năm trời.


IMG_0214.JPG
 

Việc đào tạo & phát triển người kế nghiệp được xem là quan trọng nhất trong quá trình chuyển giao cơ nghiệp. Nếu như tìm kiếm người kế nghiệp được thực hiện mang tính cảm tính thì việc đào tạo & phát triển người kế nghiệp phải là một lộ trình được thực hiện một cách bài bản và khoa học. Đó cũng là lý do vì sao Trường PACE đã dồn toàn bộ tâm huyết, kinh nghiệm về đào tạo quản lý – lãnh đạo trong suốt 15 năm qua, để chắt lọc tất cả những tinh hoa ưu việt nhất về quản trị trong nước và trên thế giới, từ đó nghiên cứu và kết hợp lại nhằm cho ra đời một giải pháp tổng thể phát triển năng lực kế nghiệp dành riêng cho “người được chọn”. Chương trình đào tạo “Lãnh đạo kế nghiệp/ NextGen Leaders” không phải chỉ đơn giản là đào tạo những “chiêu thức” để lãnh đạo doanh nghiệp, mà quan trọng nhất là giúp cho “người được chọn”có thể thay đổi từ gốc rễ đến ngọn, từ bản tính đến tư duy, hành vi của một người sẽ thay cha ông nắm giữ cơ nghiệp.

Nếu làm tốt các bước trên, thì vấn đề chuyển giao cơ nghiệp sẽ dễ làm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không phải cứ đưa đi đào tạo bài bản xong là có thể “thả hổ vào rừng”. Việc chuyển giao phải được thực hiện từng bước và cần có sự hướng dẫn, kèm cặp bởi các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm để “người được chọn” có thể dần thích nghi và áp dụng phù hợp những gì đã được lĩnh hội với thực tế tại doanh nghiệp. Đây cũng là cấu phần quan trọng trong mô hình đào tạo và bản quyền chương trình “Lãnh đạo kế nghiệp” mà Trường PACE cung cấp.

Nếu như thế hệ tiền bối là người đã khai sinh ra doanh nghiệp, thì thế hệ kế nghiệp phải là người tái sinh ra doanh nghiệp lần thứ hai. Nhưng không phải là một “làn gió mới” làm thay đổi toàn bộ doanh nghiệp từ văn hóa, quy trình, hệ thống của doanh nghiệp, mà là phải làm thăng hoa cái “hồn” và những di sản tốt đẹp vốn có của doanh nghiệp.