Chọn lãnh đạo kế nghiệp: “người nhà” hay “người ngoài”?

CHỌN LÃNH ĐẠO KẾ NGHIỆP: “NGƯỜI NHÀ” HAY “NGƯỜI NGOÀI”?
 
CafeF - Chọn lãnh đạo kế nghiệp luôn là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các gia tộc kinh doanh. Và một trong những điểm khó giải nhất trong bài toán này đó chính là chọn ai đây, giữa “người nhà” và “người ngoài”.

“Nhà hay ngoài không quan trọng”

Đó là nhận định của ông Giản Tư Trung - người sáng lập Trường Doanh nhân PACE, tại buổi tọa đàm “Bàn về năng lực kế nghiệp” diễn ra vào ngày 22/9/2016 tại Tp. Hồ Chí Minh. Theo ông Trung, lâu nay, mỗi khi nhắc đến cụm từ “gia đình trị”, thường chúng ta không có thiện cảm lắm. Tuy nhiên, tốt hay xấu, hay hay dở, không nằm ở “gia đình trị” mà nằm ở chỗ “người được chọn” để kế nghiệp có đủ khả năng gánh vác cơ nghiệp của gia đình hay không.
Nếu người trong gia tộc có tâm và có tầm để kế thừa và phát huy gia nghiệp thì còn gì bằng, khi đó “gia đình trị” vẫn rất tốt, rất tuyệt vời. Nhưng ngược lại, nếu những người được bổ nhiệm vào các vị trí trọng yếu của doanh nghiệp chỉ vì họ là người trong gia tộc chứ không có tài cán gì thì “gia đình trị” kiểu này sẽ rất tai họa cho chính người đó, cho doanh nghiệp và cho rất nhiều người khác.

Do vậy, vấn đề không nằm ở “gia đình trị” hay không “gia đình trị”, “nhà” hay “ngoài”, mà nằm ở “tài năng trị” hay “bất tài trị”. Nếu “gia đình trị” cũng có nghĩa là “tài năng trị” thì nên phát huy, còn nếu “gia đình trị” đồng nghĩa với “bất tài trị” thì tuyệt đối tránh.

Ông Trung cho hay ở những quốc gia có nền kinh doanh phát triển thì lãnh đạo đương nhiệm của các doanh nghiệp lớn luôn có cả một chiến lược dài hơi trong việc tìm và đào tạo lãnh đạo kế nhiệm. Với họ, có thể bất kỳ ai xứng đáng, kể cả người đó không phải là người trong gia tộc.

Tuy nhiên, ở các nước châu Á, kể cả các quốc gia có nền kinh doanh phát triển cao như Nhật Bản và Hàn Quốc, các gia tộc kinh doanh thường có xu hướng chọn người trong gia đình làm lãnh đạo kế nghiệp từ sớm và ra sức đào luyện những người này để họ không chỉ gìn giữ gia nghiệp mà còn có khả năng đưa gia nghiệp của mình vươn cao, vươn xa.

Đào tạo người kế thừa: Cần một con đường riêng

Từ thực tế nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về quản trị kinh doanh, phát triển con người, ông Giản Tư Trung cho hay để “người được chọn” có thể tiếp nối để trường tồn thì việc đào tạo và phát triển lãnh đạo kế nghiệp cần phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản và chuyên nghiệp.

Trên thế giới, đào tạo về lãnh đạo kế nghiệp, đặc biệt cho các doanh nghiệp gia đình, đã xuất hiện hàng chục năm nay. Trong khi đó, ở Việt Nam, hầu như chưa có một mô hình, chương trình đào tạo bài bản, khoa học và chuyên biệt về lĩnh vực này. Khoảng trống “chết người” này đang khiến nhiều gia tộc loay hoay trong việc đào tạo, bồi dưỡng người kế cận, biến công việc vốn yêu cầu rất khoa học, chuyên nghiệp này thành một việc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, cảm tính.

Cũng tại buổi tọa đàm, chương trình “Lãnh đạo kế nghiệp / NextGen Leaders” đã chính thức ra mắt. Đây là chương trình đào tạo do PACE, FranklinCovey Việt Nam, Balanced Scorecard Institute và SHRM cùng phối hợp thiết kế, biên soạn và triển khai, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình giải bài toán lãnh đạo kế nghiệp. Chương trình trang bị những năng lực thiết yếu mà một lãnh đạo kế nghiệp cần có, cũng như vạch ra con đường tối ưu mà mà lãnh đạo kế nhiệm cần phải đi qua để có thể kế thừa và phát triển mạnh mẽ gia nghiệp / doanh nghiệp mà thế hệ đi trước đã đổ tâm sức gầy dựng nên.
 

LÃNH ĐẠO KẾ NGHIỆP

Theo nhận định của các chuyên gia, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một chương trình được thiết kế bài bản dành riêng cho nhóm đối tượng kế nghiệp. Chương trình sẽ góp phần mở đường cho sự hình thành của một “cộng đồng kế nghiệp”, nơi thế hệ nghiệp chủ và thế hệ kế thừa sẽ có cơ hội đối thoại với nhau để rút ngắn khoảng cách thế hệ, hướng đến một tầm nhìn chung để dẫn dắn doanh nghiệp của mình đi đến trường tồn. Và khi Việt Nam có những doanh nghiệp gia đình phát triển thành công, bền vững, đó cũng sẽ là lúc xã hội có những nhìn nhận đúng đắn hơn về doanh nghiệp gia đình.


5 con đường của lãnh đạo kế nghiệp

5 con đường mà một lãnh đạo kế nghiệp cần phải trải qua để tiếp nối thành công gia nghiệp được trao truyền là: 1. Học những gì tinh túy nhất trong các chương trình quản trị kinh doanh bài bản như MBA, EMBA; 2. Học những khóa chuyên sâu về phát triển năng lực lãnh đạo, quản trị chiến lược, quản trị nhân sự, kiến tạo văn hóa từ các tổ chức chuyên biệt hàng đầu thế giới; 3. Học trực tiếp ngay trong môi trường kinh doanh từ nghiệp chủ, từ truyền thống gia đình; 4. Học từ chính tự đào luyện bản thân; 5. Học từ môi trường kết giao bạn bè, kết nối quan hệ xã hội.

Ngoài tính toàn diện (kết hợp cả 5 con đường trên trong 1 mô hình đào tạo), chương trình Next-Gen Leaders còn có có 4 điểm nổi bật khác như: tính tiên phong (là chương trình phát triển lãnh đạo kế nghiệp đầu tiên tại Việt Nam), tính chuyên biệt (là chương trình đặc biệt dành riêng cho thế hệ kế thừa, kế nhiệm, kế cận của doanh nghiệp), tính toàn cầu (kết hợp nhiều giải pháp đào tạo đẳng cấp thế giới), tính thời sự (ra đời đúng lúc, vào đúng thời điểm câu chuyện chọn người kế nghiệp đang là mối quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay).

A.D
(Theo Cafe F)