Lãnh đạo kế nghiệp: Tiếp nối để trường tồn

Lãnh đạo kế nghiệp: Tiếp nối để trường tồn

 

Chuyện lựa chọn, đào tạo và chuyển giao quyền lực cho người kế nghiệp luôn là điều trăn trở lớn của nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ “kế nghiệp” không chỉ là chuyển giao tài sản mà là chuyển giao cả một sự nghiệp, một giá trị được gầy dựng trong nhiều năm.

LÃNH ĐẠO KẾ NGHIỆP


Hội thảo “Bàn về năng lực kế nghiệp” do trường Doanh Nhân PACE phối hợp với FranklinCovey Việt Nam, Balanced Scorecard Việt Nam và SHRM vừa tổ chức tại TPHCM.

Gian nan tìm người kế nghiệp


Tại hội thảo “Bàn về năng lực kế nghiệp” do trường Doanh Nhân PACE phối hợp với FranklinCovey Việt Nam, Balanced Scorecard Việt Nam và SHRM vừa tổ chức tại TPHCM, ông Huỳnh Văn N., tổng giám đốc một công ty may mặc, chia sẻ rằng ông tuổi đã cao nhưng vẫn phải một mình điều hành công ty bởi hai người con của ông không hứng thú với công việc của bố đang làm nên không chịu kế nghiệp.

May mắn hơn ông N., ông Nguyễn Như K., chủ tịch một công ty kinh doanh hóa chất đã tìm được người kế nghiệp là con trai của mình. Nhưng không phải vì thế mà ông K. thôi lo lắng. Người kế nghiệp mà ông K. đánh giá là thông minh, nhiều năng lực và kinh nghiệm do từng nắm giữ vị trí cao trong một số tập đoàn nước ngoài lại thiếu vắng tố chất của một doanh nhân.

Những câu chuyện như của ông N. và ông K. không hiếm trong bối cảnh hiện nay. Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, thành viên Ban Chuyên môn trường PACE, chưa có thống kê cụ thể về số lượng doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam và tỷ lệ đóng góp của mô hình kinh doanh này vào GDP quốc gia, nhưng có thể khẳng định đây là hình thức kinh doanh rất phổ biến ở trong nước. Còn trên thế giới, theo một khảo sát mới đây của Đại học Harvard, hai phần ba số lượng doanh nghiệp toàn cầu là công ty gia đình, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn; doanh nghiệp gia đình đóng góp 70-90% GDP hàng năm của thế giới; 50-80% số việc làm trên toàn cầu. Vấn đề tìm người kế nghiệp dường như là khó khăn chung của mọi doanh nghiệp gia đình khi chỉ 12% doanh nghiệp gia đình trên thế giới được chuyển giao tới thế hệ thứ ba.

Chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường PACE đồng thời là tác giả cuốn sách “Đúng việc - một góc nhìn về câu chuyện khai minh”, cho rằng trong giai đoạn hội nhập hiện nay, so với doanh nghiệp ở các nước phát triển, các công ty gia đình ở Việt Nam gặp nhiều thách thức hơn bởi vấn đề định kiến. Doanh nghiệp Mỹ hay châu Âu thường không đặt nặng việc người kế nghiệp phải là người trong gia tộc, họ sẽ chọn bất kỳ ai xứng đáng. Còn doanh nghiệp Việt Nam thường có xu hướng đặt con cháu vào vị trí người kế thừa cơ nghiệp của gia đình. Tìm được người đủ tài và tâm để kế nghiệp đã không dễ, lại giới hạn bởi tư duy phải là người trong gia tộc nên lại càng khó hơn.

“Tất nhiên, về bản chất gia đình trị không có gì xấu, vấn đề là người được chọn kế nghiệp có đủ khả năng, đủ phẩm chất để gánh vác cơ nghiệp của gia đình hay không. Nếu gia đình trị cũng có nghĩa là “tài năng trị” thì nên phát huy, còn nếu đó lại là khuynh hướng “bất tài trị” thì sẽ rất tai họa cho chính người đó, cho doanh nghiệp và cho nhiều người khác”, ông Trung nêu ý kiến.

Nỗi khổ của người kế nghiệp

“Đúng người, đúng việc” là lời khuyên của các chuyên gia kinh tế trong câu chuyện chọn người kế nghiệp. Nhưng tìm được người phù hợp rồi, khó khăn vẫn chưa dừng lại.

Tại buổi tọa đàm, nhiều người kế thừa, kế tục, kế nghiệp, kế nhiệm đã chia sẻ những rào cản của họ khi tiếp quản cơ nghiệp kinh doanh của gia đình. Làm sao để “người được chọn” nắm bắt được hệ thống quản trị công ty gia đình; thể hiện được bản thân và thoát khỏi cái bóng của các bậc tiền bối? Làm sao để người trẻ tuổi kế nghiệp với bản chất ưa thử thách có thể đưa công ty ngày càng vươn xa mà không làm thay đổi cấu trúc hay văn hóa công ty một cách liều lĩnh?... Không phải tất cả những thách thức này đều đến từ việc thiếu chuyên môn hay kinh nghiệm trên thương trường, mà đôi khi chúng đến từ những bất đồng do khoảng cách thế hệ, do sự thiếu tin tưởng của thế hệ chuyển giao.

Rõ ràng, chuyển giao cơ nghiệp sao cho “tiếp nối để trường tồn” là bài toán không đơn giản mà phải có một lộ trình dài hơi, được thiết kế bài bản và chuyên nghiệp, phù hợp với bối cảnh kinh doanh, đặc thù riêng của từng doanh nghiệp cũng như tâm lý, văn hóa của người Việt.

Theo các chuyên gia của chương trình đào tạo “Lãnh đạo kế nghiệp/NextGen Leaders” (một chương trình đào tạo chuyên biệt của trường PACE dành riêng cho thế hệ kế nghiệp vừa ra mắt tại buổi tọa đàm), để vượt qua những rào cản này, người kế nghiệp trước hết phải trả lời được ba câu hỏi: Lãnh đạo kế nghiệp là gì? Tôi muốn trở thành một lãnh đạo kế nghiệp như thế nào? Làm thế nào để tôi có thể trở thành một lãnh đạo kế nghiệp như vậy?

Tùy vào hoàn cảnh và trải nghiệm của mỗi người mà nhà lãnh đạo kế nghiệp có phương pháp phù hợp để tìm ra đáp án. Có người ngay từ đầu đã được đào tạo ở các đại học danh tiếng thế giới. Có người được đào tạo trực tiếp ngay trong môi trường kinh doanh của gia đình. Có người tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn chú trọng tính thực hành và năng lực giải quyết các vấn đề cụ thể như các khóa chuyên sâu về quản trị chiến lược, phát triển năng lực lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp,...

“Để không chỉ kế thừa mà còn phát triển cơ nghiệp thế hệ cha anh đã đổ bao tâm lực gầy dựng, người kế nghiệp phải không ngừng học hỏi, phải được đào luyện và trang bị những năng lực thiết yếu của một nhà lãnh đạo và một nghiệp chủ, đồng thời cần có chính kiến cá nhân và tự mình vạch ra con đường cần phải đi qua. Và tất nhiên, phẩm chất tiên quyết mà một người kế nghiệp cần phải có đó là đức hy sinh, tính khiêm nhường, tinh thần doanh nhân và cả năng lực quản trị”, ông Giản Tư Trung nhấn mạnh.

(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)