LÃNH ĐẠO KẾ NGHIỆP - LÀM SAO TIẾP NỐI ĐỂ TRƯỜNG TỒN?

LÃNH ĐẠO KẾ NGHIỆP - LÀm SAO TIẾP NỐI ĐỂ TRƯỜNG TỒN? 

Đội ngũ kế nghiệp, nếu thoát được cái bóng của cha ông, vượt lên cái bóng họ và đi tiếp từ cái bóng đó là điều rất khó.

Ông Giản Tư Trung - Người sáng lập Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) và là tác giả của cuốn sách có nhiều ảnh hưởng “ĐÚNG VIỆC - một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã chia sẻ về chủ đề “lãnh đạo kế nghiệp” của các gia tộc kinh doanh ở Việt Nam.
 
Corporate-governance-The-independence-of-top-ranking-executives-lies-at-the-heart-of-performance_knowledge_standard--1-.png

Doanh nghiệp “gia đình trị”, nên hay không nên?

PV:- Thưa ông, vấn đề lãnh đạo kế nhiệm của các gia tộc kinh doanh luôn được quan tâm, nhưng vấn đề “gia đình trị” của các doanh nghiệp thường không mấy thiện cảm đối với công chúng. Được biết ông là người đã đi đầu và gắn bó với công tác phát triển lãnh đạo kế nghiệp nhiều năm, vậy ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Giản Tư Trung: Đúng là vấn đề lãnh đạo kế nhiệm luôn là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp, và càng đau đầu hơn đối với các gia tộc kinh doanh với gia nghiệp lớn. Đối với các gia tộc kinh doanh có truyền thống thì họ thường chọn con cháu làm người kế thừa cơ nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, trong số con cháu của mình, cũng không dễ tìm được người kế nghiệp xứng đáng và yên tâm.

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến cụm từ “gia đình trị”, thường chúng ta không có thiện cảm lắm. Tuy nhiên, tốt hay xấu, hay hay dở, không nằm ở “gia đình trị” mà nằm ở chỗ những “người được chọn” của gia đình để kế nghiệp có đủ khả năng gánh vác cơ nghiệp của gia đình hay không. Nếu người trong gia tộc có tâm và có tầm để kế thừa và phát huy gia nghiệp thì còn gì bằng, khi đó “gia đình trị” vẫn rất tốt, rất tuyệt vời. Nhưng ngược lại, nếu những người được bổ nhiệm vào các vị trí trọng yếu của doanh nghiệp chỉ vì họ là người trong gia tộc chứ không có tài cán gì thì “gia đình trị” kiểu này sẽ rất tai họa cho chính người đó, cho doanh nghiệp và cho rất nhiều người khác. Do vậy, vấn đề không nằm ở “gia đình trị” hay không “gia đình trị”, mà nằm ở “tài năng trị” hay “bất tài trị”. Nếu “gia đình trị” cũng có nghĩa là “tài năng trị” thì nên phát huy, còn nếu “gia đình trị” đồng nghiã với “bất tài trị” thì tuyệt đối tránh.

PV:- Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này ở các quốc gia khác, nhất là ở các quốc gia phát triển?

Ông Giản Tư Trung: Ở những quốc gia có nền kinh doanh phát triển thì lãnh đạo đương nhiệm của các doanh nghiệp lớn luôn có cả một chiến lược dài hơi trong việc tìm ra và đào tạo lãnh đạo kế nhiệm. Thường các doanh nghiệp ở Mỹ hay châu Âu thì họ không quá đặt nặng việc người kế nghiệp buộc phải là người trong gia tộc, mà có thể bất kỳ ai xứng đáng, kể cả người đó không phải là người trong gia tộc.

Sở dĩ họ làm được điều này là vì nhiều lý do, trong đó có 3 lý do chính sau:

1/ Trong những nền kinh doanh này, nền quản trị đã ở trình độ cao và họ cũng đã tách bạch được rất rõ giữa quyền sở hữu và quyền quản lý trong doanh nghiệp. Những người trong gia tộc có thể kế thừa quyền sở hữu nhưng không nhất thiết phải kế thừa quyền quản lý nếu không có khả năng. Do vậy, hoàn toàn có thể tìm người xứng đáng ở bất kỳ đâu về để trao quyền lãnh đạo doanh nghiệp dù họ không hề nắm quyền sở hữu doanh nghiệp.

2/ Khi xã hội nhìn chung được vận hành trên nền tảng luật pháp rất nghiêm minh và đạo đức được đề cao, thì nếu có trao quyền lãnh đạo cho người không sở hữu thì không phải lo sợ, kể cả khi họ nghỉ việc không làm nữa cũng không lo là họ sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Ngược lại, nếu xã hội còn nhiều sự dối trá, lọc lừa, pháp luật ít được thượng tôn, đạo đức ít được coi trọng… thì khó có thể tin được ai, và do đó buộc phải chọn người trong gia tộc kế nghiệp, dù người đó chưa ổn và bất tài.

3/ Con cái của nghiệp chủ thường được giáo dục tốt nên họ có nhiều lựa chọn, chứ không nhất thiết là cứ phải kế nghiệp gia đình. Và họ cũng thường không coi cơ nghiệp gia đình là quyền lợi mặc nhiên được hưởng, mà sẽ coi là trách nhiệm phải gánh và nếu không có khả năng gánh vác thì họ sẽ chọn con đường khác và cha mẹ của họ cũng thường sẽ ủng hộ. Vì các nghiệp chủ (cha mẹ) cũng thường coi con mình là “con người” trước khi là “con mình”. Họ sẽ giúp con trở thành chính nó, chứ không biến con mình thành thứ mà mình muốn, không cố ép con theo con đường của mình dù không hợp với con.
(Theo Đất Việt)